Ngày 15/9 vừa qua, sự kiện The Merge – hợp nhất Ethereum đã diễn ra thành công. Đây là sự kiện được cả thế giới quan tâm, mở ra một bước đi mới cho thị trường tiền số toàn cầu, kết thúc kỷ nguyên PoW kéo dài suốt 7 năm. Tuy nhiên, việc Ethereum hợp nhất thành công lại khiến nhiều thợ đào “thất nghiệp”, không biết làm gì với dàn máy tiền tỷ của mình.
The Merge là gì?
Trước khi sự kiện The Merge diễn ra, Ethereum hoạt động dựa trên PoW – bằng chứng công việc. Tức là các máy tính trên toàn thế giới sẽ cạnh tranh bằng cách giải các câu đố, sau đó thêm khối mới vào chuỗi. Bên nào giải nhanh nhất sẽ nhận được đồng tiền điện tử mới. Quy trình này thường được gọi là “đào tiền số”.
Tuy nhiên, trong suốt những năm qua, các đồng tiền điện tử lớn như Bitcoin và Ethereum thường xuyên bị chỉ trích vì hoạt động này tiêu tốn rất nhiều năng lượng. Lượng điện 1 năm của các máy đào tiền số có thể vượt qua mức tiêu thụ điện hàng năm của nhiều quốc gia.
Vào năm 2014, nhà sáng lập Ethereum là Vitalik Buterin đã đưa ra khái niệm The Merge. Ông đề xuất chuyển từ PoW sang PoS – bằng chứng cổ phần. Tuy nhiên, đây là quá trình phức tạp, cần xây dựng Blockchain mới, sau đó chạy thử nghiệm để tìm ra lỗ hổng bảo mật và các vấn đề kỹ thuật khác. Vì thế, tiến độ của dự án diễn ra tương đối chậm.
Đến ngày 6/9/2022, The Merge đã được tiến hành, bản nâng cấp Bellatrix được kích hoạt và hoàn tất vào 14 chiều ngày 15/9 vừa qua (theo giờ Việt Nam). Việc hợp nhất về mặt kỹ thuật đã diễn ra thành công với tổng độ khó đầu cuối là 58750000000000000000000. Kể từ đó, quy trình xác thực Ethereum đã chuyển từ PoW sang PoS.
Vì sao The Merge quan trọng?
Việc chuyển từ cơ chế PoW sang PoS được xem là mục tiêu của Ethereum nhằm giảm lượng carbon tiêu thụ. Sau khi quá trình The Merge diễn ra thành công, mức tiêu thụ Carbon đã giảm 99,95% so với trước đây.
Bên cạnh đó, sự kiện này cũng cực kỳ quan trọng với công nghệ Blockchain, NFT và web3. Bởi hiện nay, Ethereum đang là nền tảng Internet phi tập trung lớn nhất tại Web3. Sau khi quá trình hợp nhất diễn ra thành công, hệ thống phi tập trung khổng lồ với giá thị trường lên đến 200 tỷ USD cũng được hoàn chỉnh.
Theo thống kê của Ouke Cloud Chain, hiện nay, Ethereum đang thu hút hơn 3.000 nhà phát triển và thu hút hàng triệu người dùng. Hệ sinh thái này có hơn 400 dự án DeFi, hơn 130.000 hợp đồng NFT. Việc hợp nhất Ethereum thành công sẽ ảnh hưởng lớn với các hãng sản xuất card đồ hoạ và các thợ đào.
Sau khi chuyển từ PoW sang PoS, các thợ đào sẽ không thể tạo thêm token Ethereum. Điều này sẽ hạn chế nguồn cung và đẩy giá đồng tiền điện tử này lên cao hơn trong tương lai. Chỉ sau chưa tới 1 tiếng sau khi hợp nhất thành công, giá của 1 đồng Ethereum đã tăng từ 1.500 USD lên 1.600 USD.
Theo ông Eli Ben-Sasson – chủ tịch, nhà đồng sáng lập StarkWare, The Merge sẽ là bước đầu tiên trong quá trình giúp Ethereum được áp dụng rộng rãi trong tương lai. Theo ông, Ethereum sẽ được ưa chuộng hơn, hạn chế được các thông tin tiêu cực như trước đây và giảm các tác động không tốt đến môi trường.
Chia sẻ với CoinTelegraph, Eli Ben-Sasson cho biết: “Tôi nghĩ việc hợp nhất Ethereum giống như sự xuất hiện của những cánh đồng năng lượng mặt trời”.
Ông Asher Tan – CEO của sàn giao dịch Coinjar cũng cho rằng mạng Ethereum sẽ trở nên tốt hơn, mở ra một cánh cửa mới với các nhà đầu tư và các công ty còn phân vân về tác động tiêu cực của nó đối với môi trường.
Tuy nhiên, ngoài việc thân thiện với môi trường hơn, blockchain của Ethereum không có nhiều thay đổi. Vì thế, phí gas tại đây vẫn được giữ nguyên, tốc độ giao dịch cũng chưa có nhiều cải thiện. Điều này khiến Ethereum chưa được đánh giá cao bằng các blockchain mới như Solana hay Stellar.
Nhiều thợ đào Việt Nam “thất nghiệp”
Trước đây, việc đào Bitcoin được các thợ đào Việt Nam rất ưa chuộng. Tuy nhiên, do việc khai thác Bitcoin ngày càng khó và tốn kém, nhiều thợ đào đã chuyển sang khai thác Ethereum. Vì thế, sự kiện Ethereum hợp nhất thành công đã có nhiều tác động tới cộng đồng đào tiền số nước ta.
Ngay sau khi các thông tin Ethereum hợp nhất được công bố, nhiều nội dung như: thợ đào Ethereum “thất nghiệp”, “trâu cày” thành sắt vụn… đã được bàn luận rất nhiều trên các hội nhóm khai thác tiền điện tử.
Để tránh tình trạng “thất nghiệp”, lãng phí dàn card đồ hoạ hiện có, nhiều người đã chuyển sang khai thác các đồng tiền số khác. Tuy nhiên, nhiều người đã phải bỏ cuộc vì phương án này không khả thi và mức lợi nhuận đem lại không cao.
Theo chia sẻ của một thợ đào tại Bình Định, sau khi Ethereum hợp nhất thành công, anh đã chuyển sang đào loại tiền khác. Tuy nhiên, sau một thời gian, anh đã phải dừng việc đào tiền vì lợi nhuận thu được không đủ trả tiền điện.
Anh chia sẻ: “Tôi đã dùng hết số tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng để mua dàn máy đào. Giờ dàn máy để đó, không biết phải làm thế nào để thu hồi vốn. Một số “lái trâu” liên hệ thu mua nhưng giá rẻ quá, bán thì lỗ nặng, mà để thì cũng không biết làm gì”.
Anh và một số thợ đào khác đang suy nghĩ đến việc bán lượng ETH đã đào được để bù lỗ hay tiếp tục giữ để chờ lên giá. Theo anh, mọi thứ như một canh bạc, các thợ đào hoàn toàn bị động trong trường hợp này.
Hiện tại, các thợ đào đang đứng trước các lựa chọn không có lợi như chuyển sang làm người xác thực mạng Blockchain; sử dụng hệ thống của mình để khai thác các đồng tiền điện tử khác hoặc bán “trâu cày”, đổi công việc.
Tuy nhiên, theo nhiều thợ đào ETH, hiện nay thị trường card đồ hoạ đã ổn định, các game thủ gần như không mua card đồ hoạ của dân đào nữa, nên việc muốn bán cũng rất khó khăn.
Nhiều thơ đào đang kiến nghị một đợt Hard Ford, phân Ethereum thành 2 mạng. Ngoài mạng Ethereum mới, hoạt động theo cơ chế PoS, các thợ đào muốn tách ra một mạng Ethereum khác theo mô hình PoW, gọi tắt là ETH POW. Mạng này sẽ cho phép người dùng có thể tiếp tục khai thác ETH sau sự kiện The Merge. Như vậy, các thợ đào đang nắm giữ ETH có thể nhận được token trên chuỗi mới. Tuy nhiên, không gì có thể đảm bảo token từ đợt phân nhánh Hard Work sẽ có giá trị